Vovinam Việt Võ Đạo trên đất Ý
Vovinam Việt Võ Đạo trên đất Ý.
Ngày Sinh Nhật Đặc Biệt
Ngày sinh nhật mình, sau khi tập miệt mài trong phòng tập, đến cuối buổi là dịp để tổ chức mừng sinh nhật cho những ai có ngày sinh nhật rơi vào trong tuần đó. Cách thức tổ chức cũng chẳng giống như những chỗ khác.
Cách Thức Tổ Chức Sinh Nhật
Theo thông lệ, đến cuối buổi tập, người được tổ chức sinh nhật sẽ phải tiến lên phía trước và chọn ra hai trong số các đồng môn cùng luyện tập để thực hiện đòn đá vào hai tay. Hai tay võ sinh phải nắm lại và tạo tư thế đứng tấn trụ để hai võ sinh còn lại đá vào.
Kỷ Niệm Sinh Nhật Lần Thứ 32
Do mình kỷ niệm sinh nhật lần thứ 32 nên phải chịu đúng 32 đòn, mỗi bên 16 cú đá. Hôm ấy tay về xưng đỏ lên vì dĩ nhiên hai đồng môn đá thật chẳng phải đùa. Các đòn đá bay thẳng vào phần cánh tay, nếu mà không giữ chắc có lẽ cũng sẽ lên thẳng vào mặt. Tuy đau nhưng mà vui, vui vì kỷ niệm ngày sinh bị ăn một trận đòn khiến mình sẽ nhớ thật lâu.
Sinh Nhật Của Stefano
Sinh nhật của em Stefano nhân dịp 18 tuổi còn kinh khủng hơn nữa. Tất cả võ sinh tạo thành hai hàng (mọi người hay gọi là tunnel – đường hầm) và Stefano với một ít dụng cụ bảo vệ thân thể phải chui lọt qua hàng này lần lượt 18 lần. Mỗi lần là một trận đòn tơi tả của tất cả các đồng môn từ mọi phía.
Kỷ Niệm Đáng Nhớ
Sau khi đi qua được hơn mười lần, thấy Stefano có vẻ đã hơi đuối, mọi người nhẹ tay dần. Nhưng đến lần cuối cùng, thứ mười tám, mọi người đều ra những đòn thật mạnh. Thế nhưng ai cũng hiểu, những đòn ấy là mừng cho một người thiếu niên nay đã trở thành người lớn.
Hôm sinh nhật của mình, sau khi tắm rửa xong xuôi, cả đám ra ăn cùng nhau một số đồ mà mình và một bạn nữa mang tới. Bao gồm bánh mặn, thịt nguội và rượu spumante. Không khí như một gia đình thực sự ở nơi xứ người. Có gì ấm áp hơn khi một sinh viên xa nhà đã lâu năm có cảm giác ấm cúng ở một gia đình Ý với bao nhiêu thành viên. Mọi người đều quan tâm đến mình, luôn vui đùa với những câu chuyện hài hước, hay chia sẻ mọi thứ nếu mình gặp khó khăn cần được tháo gỡ. Chưa bao giờ mà mình thấy tình cảm dành cho một người nước ngoài lại đậm đà như vậy ở một phòng tập võ.
Vittorio với mình hai thầy trò nhưng tình cảm thì như hai người bạn, chẳng phân biệt vai vế khi tập xong võ. Không chỉ đối với mình, mà những đứa trẻ mới ba, bốn tuổi khi bước vào phòng tập, thầy cũng đối xử với những đứa trẻ này như những người lớn. Dĩ nhiên trong lúc tập thì thầy và trò đều nghiêm túc tập luyện. Mình không quên cảm giác gần 5 năm trước khi ngày đầu tiên bước vào phòng tập nghe những người Ý đếm số tiếng Việt từ một đến mười mình đã ngạc nhiên như nào. Rồi các từ “Nghỉ”, “Nghiêm”, “Nghiêm Lễ” được thầy trang trọng nói khi bắt đầu buổi tập. Các động tác đá, đấm, gạt, chém, bay đá, đá đáp lại, các chiến lược, các thế quyền, vật, tất cả đều được dùng tiếng Việt để các học viên hiểu từ ngữ của môn võ mà họ đang theo học. Lúc đó mình đã có cảm giác đây sẽ là ngôi nhà của mình.
Sau năm năm tập luyện thì quả thật điều mình cảm thấy hối tiếc nhất có lẽ là phải rời khỏi nơi này để sang một vùng đất mới lập nghiệp. Xa một gia đình với những thành viên luôn bên mình những lúc khó khăn hay những lúc có niềm vui hân hoan.
Một Gia Đình Luôn Bên Ta
Một gia đình không hề hắt hủi ta khi ta gặp khó khăn, luôn bên ta qua những vui buồn. Có những lúc buồn bã thất vọng tràn trề, đến với phòng tập, khi được hoà mình vào không khí tập luyện hăng say, mọi người cười nói vui vẻ thì mình cũng như quên dần cái cảm giác buồn bã ấy. Thầy và những người bạn tập, họ có những lời lẽ động viên, an ủi.
Niềm Vui Ngày Cưới
Khi mình có niềm vui chuẩn bị lên xe hoa thì gia đình ấy cũng bao nhiêu thành viên đến tham dự ngày vui của mình. Cách mà họ trao cho mình bao thư cũng thể hiện họ rõ ràng là một nhà. Tất cả cùng cho vào một bao thư rồi khi tiệc sắp bắt đầu, tất cả kêu mình ra một chỗ rồi trao thư đó cho mình. Thường thường trong các bữa tiệc cưới tại Ý, khách mời rất ít, chỉ có những người rất thân quen thì họ mới đi dự, chứ đám cưới ở Ý không mời nhiều khách như ở nhà. Trong ngày vui ấy, không khí Vovinam cũng được thể hiện. Thầy và trò đã chuẩn bị một vài màn biểu diễn để cho khách mời có cái nhìn về một môn võ có xuất xứ từ nơi mà đa số khách được sinh ra. Sau đó là màn chú rể phải giải cứu cô dâu qua trận chiến tay đôi với từng người của phòng tập. Ban đầu mình cứ ngỡ chỉ phải đấu với một hoặc hai người, ai dè về sau mới biết phải đấu với tất cả mọi người. Hơi mệt nhưng mà vui, vui vì trong ngày cưới, những gì mình mong muốn cũng được thực hiện, và gia đình ấy đã đáp ứng hoàn toàn nguyện vọng của mình, mặc dù mình trước đó cũng chẳng có thời gian để đến phòng tập tập cùng sau một thời gian dài phòng tập đóng cửa để nghỉ hè.
Bữa Tiệc Chia Tay
Ngày mình chuẩn bị rời xa nước Ý thì cả gần ba chục người của phòng tập võ lại một lần nữa làm mình nức lòng khi đã đồng ý đến ăn một bữa liên hoan pizza cùng nhau. Một bữa pizza với nhau thôi để ghi nhớ những khoảnh khắc cùng nhau, những khoảnh khắc mà mình sẽ khó quên trong ký ức năm năm theo đuổi môn võ này.
Cuộc Sống Mới Ở Berlin
Sang Berlin sinh sống và làm việc, khoảng cách sẽ là hơn 1000 km. Mình hy vọng vẫn có thể bay về lại để tiếp tục những bài học võ trong thời gian tới. Ngày mình trở về từ Berlin sau hai tuần tìm nhà để thuê bên đó, quay lại phòng tập võ, mọi người ai ấy cũng tay bắt mặt mừng. Tình cảm mà mọi người dành cho chúng mình thật đáng trân trọng. Những cái bắt tay hỏi thăm thật chân tình, những cú đấm vào ngực không mạnh nhưng có ý hãy mạnh mẽ nữa lên trong cuộc sống, vì họ biết mình sẽ sống tốt ở nơi mới thôi.
Những Người Bạn Khó Quên
Những cái tên những người bạn mà mình sẽ khó quên được:
- Vittorio: một người thầy, người bạn, mà một vài lời nói sẽ chẳng diễn tả hết được những trải nghiệm của mình với thầy. Những lần đi diễn võ cùng nhau, về Việt Nam đi chơi mùa hè năm nào, bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, khó tả hết được. Hy vọng mình vẫn có dịp được tập võ cùng thầy, có thể ở Berlin hay tại Milan khi mình có dịp quay trở lại nơi này.
Người Thầy Đáng Kính
Mình muốn viết thêm về người thầy đáng kính này, Vittorio Vinh Tô Cera. Cái tên Vinh Tô được người thầy ở Việt Nam của Vittorio đặt cho anh, thầy ấy nay đã là chưởng môn môn phái Vovinam, thầy Nguyễn Văn Chiếu.
Tình Yêu Với Môn Võ
Ở trong thầy là một tình yêu trọn vẹn với môn võ có nguồn gốc xuất xứ khá là xa xôi này. Có ai mà cứ hai năm một lần là lại đóng gói vali hành lý lên đường (sau này là cùng vợ) về Việt Nam để tìm gặp các thầy và đồng môn để tu nghiệp thêm kiến thức, kết hợp với du lịch thưởng ngoạn thắng cảnh vẻ đẹp Việt Nam. Cứ đều đặn như vậy đã hơn chục lần về Việt Nam rồi.
https://www.youtube.com/watch?v=6AFd0Hj69gk
Khởi Đầu Với Vovinam
Đến với môn võ Vovinam vì cảm thấy không muốn theo đuổi một môn võ giống với các môn võ khác mà Vittorio đã từng biết và khá phổ biến ở Ý như Judo, Karate hay Kung Fu. Một lần, Vittorio được chứng kiến môn võ Qwan Ki Do trong phòng tập. Theo đuổi môn võ này được một năm thì Vittorio chuyển sang Viet Vo Dao nhờ khi ấy biết đến người thầy đầu tiên dạy môn võ Vovinam Viet Vo Dao trên đất Ý đó là thầy Michele Garofalo. Từ đó (năm 1989), môn võ Vovinam Viet Vo Dao đã gắn bó với Vittorio trong suốt chặng đường còn lại của cuộc đời ít nhất là cho tới thời điểm này. Năm 2015, thầy vẫn về Việt Nam để tu luyện võ học kết hợp với du lịch trong vòng một tháng. Quay lại Ý, thầy lại truyền lại cho các môn sinh những gì đã học hỏi và cập nhật được trong thời gian thầy đi tu luyện ở nơi sinh ra môn võ ấy.
Chuyến Đi Đầu Tiên Về Việt Nam
Chuyến đi đầu tiên của thầy về Việt Nam là năm 1999. Từ đó, mỗi hai năm một lần, thầy lại quay về. Chưa có năm lẻ nào từ đó đến nay mà thầy thay đổi kế hoạch không về Việt Nam rèn luyện. Đặc biệt có những năm mà thầy về lại mảnh đất hình chữ S tới 3 lần, như năm 2009. Tất cả cũng chỉ dành cho môn võ ấy và sự nghiệp truyền bá môn võ ở đất Ý. Việc phát triển môn võ chủ yếu có nguồn thu từ môn sinh đến tập luyện. Mỗi người đến với phòng tập để rèn luyện sức khoẻ và tập luyện võ thuật, cũng là một phần đóng góp cho võ đường và duy trì sự tồn tại của môn võ tại đây.
Sự Nghiệp Giảng Dạy
Sự nghiệp giảng dạy môn võ Vovinam của Vittorio bắt đầu từ năm 1994 khi đó anh mới 19 tuổi. Vittorio kể: đây là điểm khó nhất khi bắt đầu sự nghiệp vì khi ấy với tuổi đời còn khá non trẻ, giảng dạy một môn võ còn ít người được biết tới. Năm đó tôi bắt đầu với 3 học viên, sau đó thì tôi chuyển sang một phòng tập mới ở Buccinasco, một thị trấn nhỏ nằm trong tỉnh Milan. Ngay lập tức tôi đã có được một số lượng học viên khá lớn theo học. Năm 1997, thì tôi mở võ đường Gorla, tại Milano. Trong lúc đó thì tôi cũng dạy song song ở cả Corsico hai buổi tối một tuần. Khi đó tổng cộng tôi có được khoảng 20 học viên. Đến năm 1999 thì tôi dành toàn bộ thời gian cho võ đường Gorla và chỉ trong một vài năm, tôi đã đạt được số lượng học viên lên tới 50/60 người thường xuyên đến tập luyện, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ. Bây giờ đến thời điểm này võ đường Gorla đã có 18 năm tuổi, có lẽ đã chứng kiến hơn 1000 võ sinh, và có một số võ sinh bắt đầu khi phòng võ mới bắt đầu mở cho đến nay họ vẫn còn theo học. Võ sinh Fausto Contini bắt đầu theo học với tôi năm 1997 khi đó mới 36 tuổi, và năm nay hơn 54 tuổi, anh ấy vẫn thường xuyên đến phòng tập để tập luyện, nay anh mang Hoàng Đai Nhị Cấp.
Những Khó Khăn Và Thành Công
Khó khăn lớn nhất trong những năm qua là làm sao để mọi người biết đến môn Vovinam, làm sao cho họ hiểu môn võ này thích hợp với tất cả mọi người. Gần đây thì với sự phát triển của internet thì cũng đã dễ dàng hơn một chút, cộng với khá nhiều hoạt động được diễn ra trong vòng 25 năm qua ở Ý, mọi người bắt đầu chú ý đến môn võ này hơn. Nay ở Ý có tổng cộng hơn 1000 võ sinh, đứng thứ hai tại Châu Âu chỉ sau Pháp về số lượng võ sinh. Khó khăn thứ hai mà tôi phải trải qua là việc phải giảng dạy với đai vàng, bởi vì trong những năm 1990 ở Ý, việc giảng dạy các môn võ thuật đòi hỏi ít nhất phải đai đen, và đai vàng họ nghĩ rằng chỉ là đai của người mới bắt đầu tập luyện giống như các môn võ karate và judo. Nhưng trong Vovinam thì Hoàng Đai lại là một đai quan trọng. Dần dần qua bao nỗ lực giảng dạy thì họ cũng hiểu được đai màu gì không quan trọng mà quan trọng là bạn giảng dạy cái gì và chất lượng giảng dạy ra sao.
Hoang Pham
Articolo scritto da Hoang Pham e pubblicato su http://dongxuantv.com